Trong thời đại bùng nổ của công nghệ, khi các trang mạng xã hội ngày càng phổ biến, chatbots vốn không còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp trong việc kết nối trực tuyến họ với khách hàng. Chatbot được xem là một công cụ hữu dụng giúp doanh nghiệp tương tác với khách hàng hiện có cũng như tiếp cận với khách hàng tiềm năng.
Vậy sử dụng Chatbots hỗ trợ hoạt động marketing như thế nào? Dưới đây là câu trả lời.
1. Tạo khách hàng tiềm năng
Khả năng “active” 24 giờ là ưu điểm lớn nhất của chatbot. Chatbots online 24/7 sẽ tương tác và cung cấp thông tin mà khách hàng cần mọi lúc mọi nơi. Thay vì phải tìm kiếm và truy cập vào trang web của thương hiệu hoặc “landing page” để điền vào biểu mẫu liên hệ, với chatbot, người dùng sẽ nhanh chóng và dễ dàng tìm thấy thông tin mình cần bất cứ lúc nào vì chatbot sẽ phản hồi ngay lập tức.
Sự hồi đáp nhanh chóng của chatbot đóng vai trò quan trọng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng 35-50% thương vụ bán hàng thuộc về nhà cung cấp phản hồi khách hàng đầu tiên. Vì thế, trong thị trường cạnh tranh như hiện tại, khả năng phản hồi ngay lập tức của chatbot có thể mang lại lợi thế lớn cho các doanh nghiệp.
Ví dụ, chatbot của Lego thông qua Facebook là phương tiện vô cùng hữu ích cho bất cứ ai vừa nảy sinh mong muốn mua Lego. Vì chatbot sẽ ngay lập tức phản hồi và đưa ra các gợi ý sản phẩm theo đúng nhu cầu của người dùng.
2. Ra mắt sản phẩm
Khi ra mắt một sản phẩm mới, doanh nghiệp khó có thể nhận được phản hồi ngay lập tức từ người tiêu dùng cũng như đánh giá mức độ sản phẩm được tiếp nhận một cách tổng thể. Lúc này quảng bá sản phẩm thông qua chatbot có thể là một phương án hữu ích cho việc giới thiệu sản phẩm mới.
Cụ thể, các marketer có thể quảng cáo sản phẩm mới trên web và chuyển lưu lượng truy cập quảng cáo trực tiếp vào chatbot thay vì trang web. Tạo video, câu đố tương tác và trò chơi trong chatbot có thể khiến khách hàng hứng thú và quan tâm đến sản phẩm mới. Bên cạnh đó, các marketer cũng có thể chia sẻ cập nhật sản phẩm cũng như yêu cầu phản hồi của khách hàng sau khi mua hàng hoàn tất.
Ví dụ như Absolut Vodka đã sử dụng Facebook Messenger để khuyến khích người tiêu dùng dùng thử sản phẩm mới nhất của mình bằng cách cung cấp cho họ phiếu giảm giá để uống miễn phí tại một quán bar gần đó. Hiện tại, Absolut Vodka vẫn tiếp tục tiếp cận với khách hàng thông qua chatbot để thông báo cho họ về việc ra mắt sản phẩm hoặc các chương trình khuyến mãi đặc biệt trong tương lai.
Tương tự, thương hiệu mỹ phẩm Smashbox cũng ra mắt chatbot qua Facebook Messenger để cho phép người mua duyệt các sản phẩm mới, đọc nội dung về cách sử dụng sản phẩm. Thậm chí chatbot của Smashbox còn có chức năng thực tế cho phép khách hàng thử trang điểm thông qua ảnh selfie.
3. Thu thập dữ liệu
Việc triển khai các chatbot trên khắp các nền tảng truyền thông xã hội và trang web có thể giúp doanh nghiệp thu được một lượng dữ liệu khổng lồ.
Lúc này, các công cụ tự động như DashBot và ChatMetrics có thể giúp các marketer phân tích các chức năng và cuộc hội thoại của bot. Sử dụng thông tin này, các marketer có thể cải thiện trải nghiệm của khách hàng và thu thập insight hỗ trợ cho marketing. Bên cạnh đó, dựa vào lịch sử trò chuyện với khách hàng trong chatbot sẽ tiết lộ các từ khóa và cụm từ thường được sử dụng. Từ đó doanh nghiệp có thể ứng dụng chúng vào các chiến dịch quảng cáo và online content để cải thiện SEO và kết nối với khách hàng tốt hơn.
Ví dụ: Chatbot của Pizza Hut thu thập dữ liệu giao dịch để tăng tốc quá trình thanh toán cho các giao dịch mua trong tương lai. Nó cũng gợi ý các sản phẩm hoặc chương trình khuyến mãi mới dựa trên dữ liệu này.
4. Tăng lòng trung thành với thương hiệu
Chatbots mang đến cho người tiêu dùng một cuộc trò chuyện hai chiều có lợi cho họ. Chatbots cung cấp thông tin mà khách hàng yêu cầu và điều này làm tăng sự tin tưởng và tạo ra sự liên kết mạnh mẽ giữa khách hàng và thương hiệu.
Một nghiên cứu của Harvard Business Review đã chứng minh việc giảm nỗ lực của khách hàng có thể làm tăng đáng kể lòng trung thành với thương hiệu. Chatbot chắc chắn là một cách để giảm thiểu nỗ lực và tối đa hóa sự hài lòng của khách hàng.
Ví dụ, nhà bán lẻ mỹ phẩm Sephora hợp tác với ứng dụng nhắn tin Kik để xây dựng một chatbot cung cấp các mẹo chăm sóc da, đánh giá sản phẩm và hướng dẫn trang điểm. Điều này vô cùng tiện lợi với những khách hàng đang tìm hiểu về trang điểm, chăm sóc da, thay vì phải mất công tìm kiếm thông tin trên Internet, họ chỉ cần tương tác với chatbot để được hỗ trợ.
Có thể thấy, dựa trên sự phát triển của công nghệ mạnh mẽ, chatbot là công cụ hữu ích cho marketing. Việc triển khai chatbot không chỉ giúp các doanh nghiệp đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng mà còn giúp tăng tính cạnh tranh so với các đối thủ.
Liên kết mạng xã hội